HR – cái tên ít nhiều chắc các bạn cũng đã từng nghe đến khi đọc thông tin tuyển dụng. Vậy HR là gì? Bài viết dưới đây sẽ cho bạn cái nhìn chi tiết về các vị trí, công việc mà một HR có thể đảm nhận, cũng như những bí quyết để thành công của một HR.
HR là gì?
HR là viết tắt của 2 từ tiếng anh Human Resources dịch sang tiếng Việt là nguồn nhân lực, là người hoặc nhóm người đảm nhiệm các vấn đề về con người trong công ty, tổ chức. Công việc của bộ phận này là đảm bảo số lượng và chất lượng nhân viên trong tổ chức, công ty. Tùy vào quy mô công ty có thể có hoặc không có vị trí này. Những công ty bé thường bộ phận quản lý như trưởng phòng, giám đốc sẽ đảm nhiệm luôn chức vụ của HR. Với các công ty lớn, sẽ có riêng một phòng ban về mảng này.
Ngày nay, hầu hết các doanh nghiệp đều có vị trí HR, chứng tỏ vị trí này có tầm quan trọng và ảnh hưởng như thế nào. Đơn giản bởi nhân lực là người trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất cho công ty, quyết định sự thành công hay thất bại của công ty đó, nên HR người quản lý tất cả các vấn đề về con người trong công ty có vai trò then chốt.

Bạn có thể đảm nhận vị trí gì trong ngành HR?
Nếu là sinh viên mới ra trường bạn có thể ứng tuyển vào các vị trí như HR admin ( nhân sự tổng hợp phụ trách các vấn đề sổ sách về cập nhật hồ sơ nhân viên). Khi có một chút kinh nghiệm bạn có thể làm ở vị trí chuyên viên tuyển dụng (tuyển dụng nhân sự cho doanh nghiệp bạn đang làm hoặc là bên trung gian tìm ứng viên cho các doanh nghiệp), cao hơn chút là trưởng phòng nhân sự (giám sát quá trình tuyển dụng), rồi cao hơn chút là chuyên viên đào tạo, giám đốc nhân sự.
Công việc mà một HR cần làm
Tùy vào quy mô công ty, yêu cầu của lãnh đạo mà HR đảm nhiệm khối lượng công việc khác nhau, dưới đây là những công việc mà HR thường làm:
Tuyển dụng nhân sự
Tìm kiếm nguồn nhân sự thông qua hai nguồn chính: ngắn hạn ( qua các bài tuyển dụng trên các website việc làm, trên mạng xã hội,…) dài hạn ( xây dựng mối quan hệ với các đơn vị đào tạo nhân lực là các trường đại học, thầy cô giáo để họ gián tiếp giới thiệu cho mình nguồn nhân lực chất lượng khi cần). Tiến hành phỏng vấn lựa chọn ứng viên để tìm ra người phù hợp với công ty. Ngoài ra, HR cần có kế hoạch dự phòng trong trường hợp nhân viên đột ngột xin nghỉ tránh ảnh hưởng đến tiến độ công việc trong công ty.

Đảm bảo quyền lợi nhân viên
Tuyển dụng nhân sự đã khó, giữ nhân viên cho công ty đặc biệt là nhân viên giỏi càng khó hơn. Để nhân viên cống hiến hết mình cho công ty, không có những suy nghĩ như làm cho có, nghỉ việc tìm công ty khác thì người sếp, bộ phận HR trước hết phải đảm bảo quyền lợi cho nhân viên. Đơn giản nhất là qua việc trả lương đúng hạn, trả lương tương xứng với công sức nhân viên bỏ ra, phạt thưởng rõ ràng, minh bạch.
Đảm bảo các chế độ phúc lợi cho nhân viên như bảo hiểm, chế độ nghỉ phép, vấn đề ăn nghỉ của nhân viên, thậm chí nếu công ty có điều kiện cần quan tâm đến cả phúc lợi cho người nhà các nhân viên.
Đào tạo
Xây dựng phương án giúp nhân viên thích nghi với công việc, tạo điều kiện cho nhân viên phát triển bản thân, tăng năng suất làm việc. Nhiều doanh nghiệp lớn chẳng hạn như Nestle còn có ngân sách riêng cho hoạt động này. Mỗi năm công ty này đều tổ chức chương trình như Nestership tìm kiếm nhân tài ở mọi lĩnh vực để đào tạo các bạn trẻ này nâng cao năng lực cá nhân, tạo nguồn nhân lực cực xịn sau này.
Bí quyết thành công của một HR
Chắc bạn đã từng nghe câu nói may mắn lớn nhất của một người khi đi làm là tìm một người sếp có tâm, có tầm và có tài. Đó cũng chính là 3 phẩm chất bạn cần rèn luyện để trở thành một nhà quản trị nhân lực ai ai cũng ngưỡng mộ.
Có tâm
Tâm ở đây là việc bạn hiểu và lắng nghe tâm lý mọi người. Khi thấu hiểu mong muốn, nguyện vọng của người khác, với ứng viên mới hay với các anh chị em trong công ty, nếu những khó khăn vướng mắc trong tầm giải quyết bạn có thể giúp họ giải tỏa căng thẳng, tập trung vào công việc.
Có tầm
Tầm ở đây là tầm nhìn, thể hiện ở việc bạn lên kế hoạch triển khai trong các công việc được giao và hoàn thành vượt mức mong đợi của công ty, hay ở việc bạn có những kế hoạch dự phòng về nhân lực trong các trường hợp bất khả kháng.
Có tài
Tài ở đây là tài năng, không chỉ trong lĩnh vực tuyển dụng, bạn cũng cần trang bị cho mình các kiến thức chuyên môn liên quan đến các công việc trong công ty để kiểm tra trình độ các ứng viên.

Bài viết trên đây là tổng hợp chi tiết nhất các thông tin liên quan về HR. Hy vọng qua bài viết bạn đã hiểu hơn về ngành nghề này và có thể là thêm một lựa chọn về ngành nghề trong tương lai cho bản thân.