Câu hỏi văn bản sử dụng biện pháp nghệ thuật gì trở thành mối lo sợ đối với mỗi học sinh khi học văn. Đặc biệt là với biện pháp điệp ngữ bởi có đôi phần phức tạp. Vậy điệp ngữ là gì và cách sử dụng điệp ngữ như thế nào, mời các bạn cùng tham khảo thông tin ngay qua bài viết sau đây.
Giải thích khái niệm điệp ngữ là gì?
Điệp ngữ là biện pháp nghệ thuật lặp lại từ ngữ hoặc cấu trúc câu thậm chí là cả câu với hàm ý nhấn mạnh sự vật, sự việc và ăng tính gợi hình, gợi cảm cho văn bản.
Ta thường bắt gặp hai phép điệp cơ bản sau:

- Điệp từ: Nhắc lại nhiều lần một từ ngữ giống nhau
- Điệp ngữ: Nhắc lại cả một câu hoặc viết câu với ý mới nhưng có cấu trúc tương tự
(Câu hỏi, câu nghi vấn, câu cảm thán,..)
Ví dụ 1: Điệp từ
“Trông trời, trông đất, trông mây
Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm”
Kiểu điệp từ, từ “trông” được nhắc đi nhắc lại đến 7 lần nhằm nhấn mạnh sự vất vả nắng mưa của người nông dân đồng thời cũng tăng sức gợi cảm cho câu ca dao
Ví dụ 2: Điệp ngữ
“Trên dòng Hương Giang
Em buông mái chèo
Trời trong veo
Nước trong veo
Em buông mái chèo
Trên dòng Hương Giang”
(Trên dòng Hương Giang- Tố Hữu)
Đoạn thơ trên đã sử dụng biện pháp điệp ngữ, nhắc lại câu thơ “Trên dòng Hương Giang” đến hai lần nhắm làm nổi bật vẻ đẹp đằm thắm, trữ tình của con sông Hương Giang đẹp thơ mộng, say đắm lòng người.
Những kiểu điệp ngữ là gì?
Là biện pháp mang lại giá trị nghệ thuật cao, điệp ngữ được các thi sĩ, văn nhân sử dụng rộng rãi, đặc sắc vào những tác phẩm của mình với các kiểu điệp phong phú. Cùng khám phá các kiểu điệp ngữ ngay sau đây.

Điệp ngữ nối tiếp
Đây là kiểu điệp mà trong đó các từ ngữ, cụm từ được sử dụng liên tiếp, liền mạch, đứng liền kề nhau trong câu. Khi sử dụng dạng điệp ngữ này sẽ đem đến sự mới mẻ, liền mạch và câu văn, câu thở theo mức độ tăng tiến
Ví dụ:
“Hồ Chí Minh muôn năm!
Hồ Chí Minh muôn năm!
Hồ Chí Minh muôn năm!
Giây phút thiêng Anh gọi Bác ba lần.”
(Tố Hữu)
Trong đoạn thơ trên, câu thơ “Hồ Chí Minh muôn năm!” được nhắc 3 lần liên tiếp nhằm thể hiện lòng tôn kính theo mức độ tăng tiến đối với vị chủ tịch nước vĩ đại.
Điệp ngữ ngắt quãng
Đây là cách lặp lại các từ ngữ những khác với kiểu nối tiếp, phép điệp ngắt quãng lặp lại các từ ngữ cách nhau 1 câu hoặc thậm chí là cả 1 đoạn văn, khổ thơ.
Ví dụ:
“Ta làm 1 con chim hót
Ta làm một nhành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến
( Mùa xuân nho nhỏ- Thanh Hải)
Ở khổ thơ trên từ “ta” được lặp lại ở đầu mỗi câu thơ nhằm thể hiện khát vọng cháy bỏng được hòa vào thiên nhiên, làm đẹp cho đời.
Điệp vòng- Điệp chuyển tiếp
Cách điệp này sử dụng những từ kết thúc ở câu văn trước để làm từ bắt đầu cho câu văn kế tiếp. Với kiểu điệp từ này, sẽ tạo nên một mạch logic cho văn bản, đem đến cho người đọc những cảm xúc dạt dào.
Ví dụ:
“Khói Tiêu Tương thì cách Hàm Dương
Cây Hàm Dương lại cách Tiêu Tương mấy trùng.
Cùng trông lại rồi cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu.
Ngàn dâu xanh ngắt một màu,
Lòng chàng ý thiếp thì ai sầu hơn ai?”
(Chinh phụ ngâm- Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điểm)
Ở đoạn trích trên, ta thấy các từ “ thấy”, “ngàn dâu” sau khi kết thúc ở câu trước sẽ là từ mở đầu cho câu thơ tiếp theo. Cách điệp ngữ này tạo nên sự hô ứng đầu cuối tạo sự liền mạch, liên kết với nhau. Đồng thời nhấn mạnh nỗi nhớ chồng da diết của người vợ có chồng đi chinh chiến phương xa.
Tác dụng của biện pháp điệp ngữ là gì?
Là biện pháp tu từ đắt giá, điệp ngữ mang đến những giá trị văn học sâu sắc giàu tính gợi hình, gợi cảm, tạo cảm giác thú vị cho người đọc. Vậy điệp ngữ có những tác dụng gì, mời bạn tìm hiểu những phân tích dưới đây.

Đem đến cái nhìn toàn diện về mặt hình ảnh
Để diễn tả hình ảnh, không gian thêm màu sắc, phong phú người viết thường sử dụng biện pháp nghệ thuật điệp ngữ bởi nó giúp người đọc có cái nhìn rõ nét về sự vật, sự việc làm cho bài văn trở nên sống động hơn.
Ví dụ:
“Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm” (Tây Tiến- Quang Dũng)
Với phép điệp ngắt quãng, lặp lại từ “Dốc” đã gợi nên hình ảnh trập trùng, hiểm trở của vùng núi cao tây bắc.
Nhấn mạnh sự việc, hình ảnh
Việc lặp lại từ ngữ sẽ giúp tác phẩm trở nên nổi bật với sự vật, sự việc, nhân vật trung tâm giúp tác phẩm có thêm nhiều giá trị nghệ thuật sâu sắc. Đây là việc lặp lại có chủ đích của tác giả, cũng là dụng ý nghệ thuật giúp độc giả hiểu rõ hơn về tâm tư, tình cảm, nỗi lòng của nhân vật được nhắc tới
Ví dụ:
“Một bếp lửa chờn vờn sương sớm
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm
Cháu thương bà biết mấy nắng mưa
( Bếp lửa- Bằng Việt)
Điệp từ bếp lửa được nhắc lại ở đầu mỗi câu thơ, thể hiện hình ảnh bếp lửa luôn hiện hữu trong tâm trí của người cháu. Qua đó, thể hiện nỗi nhớ bà, nhớ quê của người chiến sĩ cách mạng.
Trên đây là những thông tin đã giải thích cặn kẽ cho câu hỏi điệp ngữ là gì. Hy vọng bài viết đã đưa đến cho các bạn những thông tin hữu ích.