CIC là gì? Thông tin quan trọng ai cũng phải biết khi sử dụng tín dụng

CIC - Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia

CIC là từ ngữ không còn quá xa lạ với những người từng đi vay vốn hay những ai đã sử dụng các dịch vụ liên quan đến tín dụng. Nếu bạn chưa từng nghe đến từ ngữ này trước đây thì đừng lo, bài viết dưới đây sẽ giải thích cho bạn tất cả các thắc mắc về CIC là gì? Cách CIC hoạt động ra sao, cũng như các thông tin về điểm tín dụng.

CIC là gì?

CIC là viết tắt của 3 từ tiếng Anh Credit Information Center dịch sang tiếng Việt nghĩa là Trung tâm thông tin tín dụng, là một tổ chức sự nghiệp thuộc Ngân hàng nhà nước Việt Nam. Hiện nay, Trung tâm thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam CIC có trụ sở đặt tại Số 10 Đ. Quang Trung, P. Nguyễn Trãi, Hà Đông, Hà Nội.

Trung tâm này được lập ra để giải quyết tất cả các nhu cầu về dữ liệu tín dụng, hỗ trợ ngân hàng nhà nước trong hoạt động quản lý tín dụng, cung cấp các sản phẩm thông tin tín dụng phù hợp với nhu cầu người dùng, góp phần nâng cao khả năng tiếp cận ứng dụng minh bạch kịp thời cho người dân.

CIC - Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia
CIC – Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia

Cách CIC hoạt động

Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia liên kết với tất cả các ngân hàng, mỗi khi có một giao dịch nào đó về hoạt động vay và cho vay được thực hiện, dữ liệu đó sẽ được gửi về và lưu trữ ở CIC, nó sẽ tiến hành bổ sung, cập nhật các thông tin đó vào hệ thống dữ liệu của họ và cung cấp thông tin đó cho người, tổ chức sử dụng dịch vụ của họ. Người sử dụng dịch vụ CIC lấy thông tin này để làm gì? Thông tin đó là cơ sở để đánh giá khả năng tài chính, mức độ uy tín của một cá nhân, tổ chức.

Ví dụ, bạn đến ngân hàng vay tiền, ngân hàng sẽ tra thông tin hiện tại về tín dụng của bạn trong CIC: đã từng vay chưa, vay bao nhiêu mục đích gì, trả nợ có đúng hạn không, có khả năng thanh toán nợ, thế chấp không, hiện tại có còn khoản vay nào chưa thanh toán không,… Từ đó quyết định có cho bạn vay hay không.

Hiện nay, từ điểm tín dụng CIC tổ chức, cá nhân được chia thành 5 nhóm: 

  • Nhóm 1: Rủi ro rất cao, điểm từ 150 – 321
  • Nhóm 2: Rủi ro cao, điểm từ 322 – 430 
  • Nhóm 3: Rủi ro trung bình, điểm từ 431 – 569
  • Nhóm 4: Rủi ro thấp, điểm từ 570 – 679 
  • Nhóm 5: Rủi ro rất thấp, điểm từ 680 – 750

Với thang điểm trên ở nhóm 1 và 2 khả năng được ngân hàng giải ngân là hoàn toàn không có, nhóm 3 sẽ được cho vay nhưng phải trả lại suất cao, nhóm 4 và 5 sẽ được vay với mức lãi suất thấp.

5 yếu tố cơ bản quyết định điểm CIC

  • Lịch sử thanh toán: Đây là yếu tố đầu tiên và cũng là quan trọng nhất trong 5 yếu tố cơ bản quyết định điểm tín dụng của bạn (Chiếm đến 35%), nó thể hiện bạn có trả nợ đúng hạn không tính với tất cả các khoản bạn đã và đang vay.
  • Khoản nợ hiện tại: Sau lịch sử thanh toán thì đây là yếu tố chiếm 30% điểm CIC, nó gồm tất cả các khoản nợ bạn đang phải trả ở thời điểm làm hồ sơ vay vốn.
  • Thời gian sử dụng tín dụng: chiếm 15% số điểm, thời gian bạn sử dụng tín càng lâu, khả năng hồ sơ bạn được thông qua càng lớn.
  • Loại tín dụng (các khoản vay thế chấp, thẻ tín dụng,…) chiếm 10% số điểm.
  • Tài khoản tín dụng mới (các khoản vay mới mở) với tỉ lệ như loại tín dụng 10% số điểm CIC.
Điểm CIC yếu tố quyết định sự thành công khi vay vốn
Điểm CIC yếu tố quyết định sự thành công khi vay vốn

Các cách tra cứu điểm CIC nhanh chóng, đơn giản

Bạn có thể kiểm tra điểm tín dụng bằng cách đến trực tiếp các địa điểm (ngân hàng, tổ chức tài chính,…) hoặc kiểm tra online.

Đến văn phòng giao dịch của ngân hàng/ tổ chức tài chính

Với cách này bạn chỉ cần đưa thông tin cá nhân của bản thân cho giao dịch viên và bạn ấy sẽ tra cứu điểm tín dụng cho bạn. Nếu là lần đầu tra cứu thông tin, bạn sẽ không phải trả bất cứ phí gì cả và được miễn phí trong năm đầu tiên. Đến năm thứ 2 mỗi lần tra cứu bạn sẽ mất một mức phí là 30.000 đồng.

Tra cứu online qua website hoặc qua app CIC trên điện thoại

Bước 1: Truy cập và website hoặc app CIC trên điện thoại.

Bước 2: Bấm vào đăng ký, điền đầy đủ các thông tin cần thiết như họ tên, ngày sinh, số CCCD, số điện thoại, mật khẩu,… bấm tiếp tục vào điền mã xác thực được gửi về số điện thoại đăng ký, chọn đồng ý và chờ trung tâm CIC phê duyệt, sau đó thực hiện các yêu cầu tra cứu.

Tra cứu điểm CIC online
Tra cứu điểm CIC online

Làm thế nào để tăng điểm CIC

  • Hoàn thành trả lãi và nợ đúng hạn.
  • Không đứng tên vay hộ người khác, không cho người khác mượn thông tin cá nhân, giấy tờ tùy thân.
  • Chỉ nên mở tín dụng khi cần, tránh mở quá nhiều thẻ với quá nhiều bên.
  • Định kỳ kiểm tra tín dụng cá nhân để điểm không ngoài mức kiểm soát.

Trên đây là tất cả thông tin về CIC bạn cần biết trước khi tiếp cận với vay vốn tín dụng. Hy vọng với các thông tin trên bạn đã tích lũy cho bản thân các kiến thức về CIC, kiểm soát điểm CIC để vay vốn thành công khi cần.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *